Các dạng đề phân tích bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” 

Dạng đề 1 phân tích bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” :

Phân tích vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Từ đó liên hệ đến khổ thơ thứ hai của “Đây thôn Vĩ Dạ” để làm rõ vẻ đẹp của cái tôi trữ tình của hai nghệ sĩ. 

Dàn ý đáp án

Mở bài

– Giới thiệu tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường

– Giới thiệu tác phẩm. Ai đã đặt tên cho dòng sông?

–Giới thiệu khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

-> Qua vẻ đẹp của sông Hương giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp của cái tôi trữ tình.

Thân bài

a,  Vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông?

* Thượng nguồn:

+ Khi qua dãy Trường Sơn;

/  Sông Hương là bản trường ca của rừng già “ Rầm rộ và mãnh liệt”…”dịu dàng và say đắm”…-> Sự hợp âm của nốt bổng nốt trầm để mãi ngân nga vang vọng giữa đại ngàn của Trường Sơn.

Sông Hương như một cô gái Trường Sơn phóng khoáng và man dại-> Vẻ đẹp của 1 sức sống trẻ trung, mãnh liệt, hoang dại.

+ Khi ra hỏi rừng già; đóng kín tâm hồn sâu thẳm của mình ở của rừng…mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở.

->Vẻ đẹp đầy bí ẩn, sâu thẳm của dòng sông.

* Sông Hương về châu thổ Châu Hóa ;

+ Được nhà văn liên tưởng như một người con gái đẹp được người tình đến đánh thức sau 1 giấc ngủ dài; Uốn mình liên tục” Uốn mình theo đường cong thật mềm”. Theo hướng Nam- Bắc, Tây- Bắc…Đột ngột vẽ 1 hình cung thật tròn về phía Đông- bắc ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế -> Sông Hương có cơ hội để phô bày vẻ đẹp của những đường cong mềm mại.

+ Vẻ đẹp tuyệt mỹ:

– Qua Tam Thai, Vọng Cảnh mềm như một tấm gương phản chiếu nhiều màu sắc .

– Đến rừng thông u tịch, lăng tẩm của vua chúa triều Nguyễn; sông Hương mang vẻ đẹp cổ kính trầm mặc như triết lí, như cổ thi.

– Tới ngoại ô Kim Long: vẻ đẹp tươi vui…

-> Sông Hương  như một cô gái dịu dàng mơ mộng đang đi tìm hạnh phúc tình yêu theo tiếng gọi vang vọng từ trái tim-> Nghệ thuật so sánh cân đối, hài hòa đậm chất thơ, ngôn ngữ, hình tượng phong phú khiến sông Hương trở nên lung linh màu sắc, vẻ đẹp trầm mặc,cổ kính với thành quách, lăng tẩm.

* Sông Hương trong không gian kinh thành Huế

+ Bắt đầu vào thành phố Huế, SH được so sánh với một ng tình vui tươi và duyên dáng,

+Nhận ra những dấu hiệu rõ hơn của thành phố; Cầu Tràng Tiền in ngần trên nền trời như một vành trăng non.

+ Làm duyên làm dáng trước khi gặp người yêu: Uốn 1 cánh cung rất nhẹ….không nói ra của tình yêu”.

+ Trong lòng thành phố Huế sông Hương như 1 “ điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế; SH giảm hẳn lưu tốc,xuôi đi chậm, thực chậm..yên tĩnh, khát vọng được gắn bó, lưu lại mãi với mảnh đất nơi đây.

-> SH và Huế gặp gỡ qua cảm nhận của tác giả như một cuộc hội  ngộ của một cặp tình nhân

b.Liên hệ với khổ 2 bài Đây thôn Vĩ Dạ ( 1,25đ)

– Đây thôn Vĩ Dạ được Hàn Mặc Tử lấy cảm hứng từ bức bưu thiếp có in hình dòng sông con thuyền vầng trăng. Từ những kỉ niệm với Huế , nhà thơ đã khắc họa bức tranh tuyệt đẹp về thôn Vĩ dạ một làng ven sông Hương với khung cảnh thơ mộng trữ tình. Qua bài thơ, HMt cũng mượn câu chuyện tình yêu đơn phương của mình để kín đáo gửi gắm tình yêu xứ sở, tình yêu với cuộc đời và con người.

– Khổ 2 của bài thơ miêu tả vẻ đẹp đêm trăng, nơi mảnh đất cố đô với núi Ngự, sông Hương trầm buồn mà sâu lắng.

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Nhà thơ đặc tả cảnh sông nước mây trời thấm nỗi niềm cảm xúc của con người. Cảnh đẹp mà người buồn vì gợi cảm giác chia lìa xa cách. Thế giới bên ngoài càng tươi đẹp, thi sĩ càng thấm thía với thực trạng của mình. Con người tài hoa bất hạnh ấy đã mượn cảnh để vẽ tình, lấy điều phi lý để nói lên điều có lý trong tâm trạng của mình; tha thiết yêu đời nhưng cuộc sống của nhà thơ đang được tính bằng giây, bằng phút.

Hai câu sau; Một không gian tràn ngập ánh trăng, đẹp như cõi mộng:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Câu hỏi tu từ mang bao khắc khoải  giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc về nỗi lòng của một con người đang chạy đua với thời gian để sống, để yêu, để khao khát hạnh phúc. Tất cả được thể hiện trong một chữ “ kịp”, một chữ khiến cho câu thơ trở nên vội vàng, gấp gáp hơn, dường như đang cố gắng chạy đua để bắt kịp với những chờ mong, hay với tình yêu mà nhà thơ hằng ấp ủ?

– Liên hệ (0,5đ)

+ Tương đồng:

Cả 2 nhà thơ đều lấy những địa danh nổi tiếng của Huế để làm điểm nhấn và khởi hứng cảm xúc .

Cùng tái hiện vẻ đẹp  của thiên nhiên , cảnh sắc, con người Huế rất riêng, rất thơ mộng. Có được điều đó chứng tỏ mảnh đất, con người Huế đã chiếm chỗ sâu bền nhất trong lòng các tác giả.

Cả 2  đều thể hiện cái tôi tinh tế nhạy cảm trong văn chương, có tâm hồn hết sức lãng mạn, phong phú.

+ Khác biệt:

HPNT lấy điểm nhìn là sông Hương, đặt trong một không gian rộng lớn, phóng khoáng hơn. Vẻ đẹp của sông Hương hiện lên ở nhiều góc độ từ thượng nguồn ra đến biển.

Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ gợi cảm hứng từ tấm bưu thiếp…nên điểm nhìn hẹp, cái nhìn từ ký ức . vẻ đẹp xứ Huế hiện lên với những nét đặc trưng bình dị, quen thuộc, lãng mạn…nhưng cũng gợi buồn.

– Nhận xét: HPNT và HMT là hai nghệ sĩ đều có tình cảm tha thiết với Huế.

Cả hai đều là những cây bút tài hoa, tinh tế, nhạy cảm trong văn chương, có tâm hồn hết sức lãng mạn, phong phú.

Kết luận

– Qua ngòi bút uyên bác , mê đắm tài hoa của HPNT sông Hương hiện lên với vẻ đẹp có linh hồn, đầy lãng mạn.

– Cùng với HMT vẻ đẹp sông Hương trở nên phong phú, đáng mến, đáng yêu

Các dạng đề phân tích “ Ai đã đặt tên cho dòng sông”

Dạng đề 2 phân tích bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” :

Vẻ đẹp của xứ Huế qua “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường và “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.

Dàn ý

Mở bài :

  • Giới thiệu bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
  • Giới thiệu bài Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường
  • Giới thiệu vấn đề nghị luận :

Vẻ đẹp xứ Huế qua hai tác phẩm Thân bài :

  • Luận điểm 1 : Phân tích vẻ đẹp xứ Huế trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

+Cảnh vườn cây đẹp trong nắng ban mai với cành lá mơn mởn ướt sương, ánh như ngọc được miêu tả trực tiếp, qua những hình ảnh cụ thể, sinh động. Con người xứ Huế hiền lành, phúc hậu.

+Sau vườn cây xứ Huế là thiên nhiên xứ Huế. Cảnh trời, mây, sông, nước ở đây thật đẹp, nhất là cảnh một dòng sông được tưới đẫm ánh trăng với con thuyền chở đầy ánh trăng nhưng tất cả đều thấm đượm nỗi buồn.

+Khổ thơ thứ ba thể hiện một nỗi niềm canh cánh của thi nhân trong không gian bao la của trời, mây, sông, nước đã thấm đẫm ánh trăng. Đó là sự hy vọng, chờ đợi, mong mỏi và một niềm khắc khoải khôn nguôi. Vẫn ở trong mộng ảo, vì vậy cảnh và người ở đây đều hư hư, thực thực.

Tóm lại : Cảnh đẹp, giàu sức sống, thơ mộng nhưng đượm một nỗi buồn bâng khuâng, da diết

. ● Luận điểm 2 : Phân tích vẻ đẹp xứ Huế trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thực chất là phân tích vẻ đẹp của dòng sông Hương Có thể tham khảo những ý chính sau:

– Vẻ đẹp được phát hiện ở cảnh sắc thiên nhiên: Sông Hương có vẻ đẹp “phóng khoáng và man dại, rầm rộ, mãnh liệt, một bản trường ca của rừng già” khi nó đi qua giữa lòng Trường Sơn; có vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ khi trở thành “người mẹ phù sa” của một vùng văn hóa đất cố đô, có vẻ đẹp phản quang nhiều màu sắc của nền trời tây nam thành phố “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”, có vẻ đẹp “trầm mặc” khi lặng lẽ chảy dưới chân những rừng thông u tịch với những lăng mộ âm u mà kiêu hãnh của các vua chúa triều Nguyễn; có vẻ đẹp mang màu sắc “triết lí, cổ thi” khi đi trong âm hưởng ngân nga của tiếng chuông chùa Thiên Mụ, có vẻ đẹp “vui tươi” khi đi qua những bãi bờ xanh biếc vùng ngoại ô Kim Long; có vẻ đẹp “mơ màng trong sương khói” khi nó rời xa dần thành phố để đi qua những nương dâu, lũy trúc và những hàng cau thôn Vĩ Dạ….

– Vẻ đẹp sông Hương nhìn từ góc độ văn hóa. Tác giả cho rằng đã có một dòng thi ca về con sông Hương, một dòng thơ không lặp lại mình, ấy là “dòng sông trắng- lá cây xanh”, trong thơ Tản Đà, là vẻ đẹp hùng tráng “như kiếm dựng trời xanh” trong thơ Cao Bá Quát, là nỗi quan hoài vạn cổ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, là sức mạnh phục sinh tâm hồn trong thơ Tố Hữu.

– Vẻ đẹp nhìn từ góc độ lịch sử: sông Hương từng là dòng sông bảo vệ biên thùy tổ quốc thời Đại Việt, từng soi bóng kinh thành Phú Xuân của Nguyễn Huệ, từng chứng kiến bao cuộc khởi nghĩa, rồi đến cách mạng tháng tám, chiến dịch mậu thân năm 1968…. – Vẻ đẹp trong trí tưởng tượng đầy tài hoa của tác giả: Ông đã nhìn sông Hương như một cô gái Huế, từng có lúc là một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại, nhưng nói chung là một thiếu nữ tài hoa, dịu dàng mà sâu sắc, đa tình và kín đáo, lẳng lơ nhưng rất mực chung tình, khéo trang sức mà không lòe loẹt phô phang, giống như những cô dâu Huế ngày xưa trong sắc áo điều lục. “Đấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông…”.

  • Luận điểm 3 : Chỉ ra nét tương đồng và khác biệt

*Nét tương đồng:

– Cả hai nhà thơ đều lấy những địa danh nổi tiếng của xứ Huế (Vĩ Dạ và sông Hương) làm điểm nhấn và khởi hứng cảm xúc.

– Cùng tái hiện được vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh sắc con người xứ Huế rất riêng, rất thơ mộng. Có được điều đó chứng tỏ mảnh đất, con người Huế đã chiếm chỗ sâu bền nhất trong lòng các tác giả

– Cả hai đều là những cây bút tài hoa,tinh tế, nhạy cảm trong văn chương, có tâm hồn hết sức lãng mạn, phong phú.

*Nét khác biệt:

–Đây thôn Vĩ Dạ: Bài thơ được gợi cảm hứng từ tấm bưu thiếp mà Hoàng Cúc gửi cho Hàn Mặc Tử nên điểm nhìn cảm xúc trong một không gian hẹp, cái nhìn từ ký ức. Cảnh vật của xứ Huế hiện lên với những nét đặc trưng rất bình dị, quen thuộc, gần gũi nhưng cũng thật lãng mạn: cảnh khu vườn mướt như ngọc, sông trăng huyền ảo, con người với vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng…cảnh vật in đậm cảm xúc về tình đời, tình người.

– Ai đã đặt tên cho dòng sông?: Hoàng Phủ Ngọc Tường chọn điểm nhìn là sông Hương, đặt trong một không gian phóng khoáng, rộng lớn hơn. Vẻ đẹp của xứ Huế hiện lên ở rất nhiều góc độ từ quá khứ cho đến hiện tại, từ lịch sử, thơ văn đến địa lí, văn hóa….Vì thế vùng đất cố đô hiện lên toàn diện hơn, hiện thực hơn bởi sông Hương chính là linh hồn của Huế,là nơi tích tụ những trầm tích văn hóa lâu đời của mảnh đất kinh thành cổ xưa.

  • Luận điểm 4 : Lý giải sự khác biệt

+Xuất phát từ đặc điểm của thể loại thơ và bút kí là khác nhau. Thơ nghiêng về cảm xúc, tâm trạng. Bút ký không chỉ đòi hỏi có cảm xúc mà ít nhiều có tính xác thực và khách quan.

+ Đối với Hàn Mặc Tử, Huế là nơi tác giả từng gắn bó, giờ đã trở thành kỉ niệm. Còn Hoàng Phủ Ngọc Tường là người con của xứ Huế nên chất Huế đã thấm sâu vào tâm hồn máu thịt của ông.

Kết bài :

Đánh giá chung về sự sáng tạo của mỗi tác giả

Dạng đề 3 phân tích bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” :

Có ý kiến cho rằng: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy, nó đòi hỏi người sáng tác phải có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong các tác phẩm của mình.”

Bằng việc cảm nhận cái “tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, anh (chị) hãy làm rõ ý kiến trên. Từ đó liên hệ với cái “tôi” của Huy Cận trong bài “Tràng giang” để nhận xét về điểm giống và khác nhau trong cái tôi của mỗi tác giả.

Dàn ý đáp án

Giải thích ý kiến (1,0 điểm)

– Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo: Nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng là lĩnh vực của cái độc đáo- cái riêng, cái lạ, cái mới. Sự độc đáo thể hiện  trong cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá; độc đáo trong cách lựa chọn đề tài, xác định chủ đề…; độc đáo trong nghệ thuật thể hiện: giọng điệu, ngôn từ, xây dựng nhân vật, hình tượng, các thủ pháp nghệ thuật…

– Nó đòi hỏi người sáng tác phải có nét riêng, nét mới lạ: Nghĩa là người nghệ sĩ phải đem đến một cái gì đó mới mẻ cho tác phẩm; phải thể hiện được cá tính sáng tạo; dấu ấn cá nhân, cái “tôi” của người làm nghệ thuật.

– Cái “tôi” được hiểu là nét riêng, điểm khác biệt của mỗi người. (Ở phương diện khác, cái “tôi” là biểu hiện cao độ của ý thức cá nhân, xuất hiện khi con người có nhu cầu được là chính mình). Trong lĩnh vực nghệ thuật, cái “tôi” không chỉ thể hiện con người mà còn thể hiện phong cách của tác giả.

III. Cảm nhận cái “tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (6,0 điểm)

Một cái “tôi” uyên bác với vốn tri thức, vốn sống phong phú, đa dạng, sâu sắc.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vận dụng vốn kiến thức, hiểu biết từ nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện khác nhau như địa lí, lịch sử, thơ ca, âm nhạc… cùng với vốn sống, sự trải nghiệm thực tế để cảm nhận vẻ đẹp của dòng sông Hương, của mảnh đất, con người xứ Huế. (Ví dụ: vốn tri thức về địa lí trong cách miêu tả tỉ mỉ, chính xác dòng chảy của Hương Giang qua những địa danh khác nhau ; vốn kiến thức về lịch sử khi viết về sông Hương trong mối quan hệ với lịch sử từ thời xa xưa khi còn là đất nước các vua Hùng…; vốn văn hóa khi khám phá vẻ đẹp của sông Hương và xứ Huế ở phương diện văn hóa….).

Một cái “tôi” tài hoa, tinh tế, lãng mạn với trí tưởng tượng bay bổng

– Cái nhìn mang tính phát hiện về một dòng sông vốn đã trở thành niềm cảm hứng, đề tài của nhiều người nghệ sĩ: Sông Hương được khám phá từ nhiều góc nhìn, trong các mối quan hệ với địa lí, lịch sử, văn hóa, trong mối quan hệ với cuộc đời… Từ đó, dòng sông hiện lên với vẻ đẹp phong phú: Khi thì mãnh liệt, phóng khoáng, man dại, hừng hực sức sống; khi thì dịu dàng, đắm say, mơ màng; lúc lại trầm mặc cổ kính, sâu lắng…Đặc biệt, dòng sông luôn được hình dung như một người con gái đẹp với nhiều dáng vẻ, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

– Tài năng nghệ thuật khi miêu tả vẻ đẹp của sông Hương và cảnh sắc, con người xứ Huế: Trí tưởng tượng với những liên tưởng phong phú, bay bổng thể hiện qua các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, ẩn dụ…; ngôn ngữ giàu chất thơ; lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm, tài hoa…

Một cái “tôi” gắn bó máu thịt với sông Hương, xứ Huế, với quê hương, đất nước

– Tác giả miêu tả sông Hương bằng một tình yêu đắm say; hiểu thấu nỗi niềm của nó trong từng khúc, từng đoạn của dòng chảy; đưa sông Hương đến với mọi người với tất cả vẻ đẹp của nó…Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là “người tình mong đợi” của sông Hương.

– Từ tình yêu sông Hương, tác giả cũng thể hiện tình yêu, sự gắn bó thiết tha với con người và văn hóa xứ Huế.

– Trách nhiệm, lòng tự hào của một công dân đối với đất nước khiến Hoàng Phủ lật từng trang lịch sử, giở từng trang địa lí, tìm hiểu từng phong tục để viết về sông Hương. Những trang văn của ông chảy vào tâm hồn người đọc tình yêu mê say với dòng sông, với văn hóa, con người xứ Huế để người đọc thêm yêu hơn non sông, đất nước mình.

Đánh giá

Cái “tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích là sự hội tụ cái tài, cái tâm của nhà văn. Đó là cái “tôi” mang nặng tình cảm yêu thương với dòng sông Hương, với Huế, với quê hương đất nước mình. Đó cũng là cái “tôi” uyên bác, tài hoa trong nghệ thuật thể hiện của thể bút kí.

Liên hệ với cái “tôi” của Huy Cận trong “Tràng giang”để nhận xét sự giống và khác nhau (2,0 điểm)

Giống nhau (0,5 điểm)

– Đều là những cái “tôi” lãng mạn, tài hoa.

– Đều là những cái “tôi” yêu mến, nặng tình với thiên nhiên, với quê hương xứ sở.

Khác nhau (1,5 điểm)

– Cái “tôi” của Huy Cận trong “Tràng giang”: Là cái “tôi” Thơ mới. Cái “tôi” mang nỗi buồn ảo não, cô đơn, nhỏ bé, lạc lõng giữa cái vô cùng của vũ trụ. Nó mang đậm phong cách thơ Huy Cận trước cách mạng tháng Tám. Trong nỗi buồn của cái “tôi” Huy Cận ta thấy nỗi buồn thế hệ- nỗi buồn của tầng lớp trí thức tiểu tư sản sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh mất nước, sống giữa quê hương mà vẫn thấy “thiếu quê hương”. Cái “tôi” ấy được thể hiện bằng những vần thơ trữ tình, hiện đại mà vẫn giàu màu sắc cổ điển.

– Cái “tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”: Là cái “tôi” của người trí thức sống trong hoàn cảnh đất nước đã hòa bình, trong tâm thế hòa nhập với cuộc đời, đắm mình trong cảm hứng ngợi ca, tự hào về cảnh sắc quê hương đất nước. Cái “tôi” ấy được thể hiện bằng thể kí với những trang viết đầy chất thơ, văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế và tài hoa.

– Nguyên nhân có sự khác biệt trong cái “tôi” của mỗi tác giả: Do hoàn cảnh sáng tác, do cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật, sở trường riêng, khuynh hướng nghệ thuật riêng, cách nhìn, cách khám phá, cách thể hiện riêng…

Khái quát, mở rộng (0,5 điểm)

– Ý kiến trên đã khẳng định được bản chất nghệ thuật chính là nét riêng độc đáo trong cách thể hiện cái “tôi” của mỗi nghệ sĩ.

– Nhà văn phải luôn ý thức trước ngòi bút, đổi mới, sáng tạo, không ngừng tìm tòi, khám phá. Chỉ có như vậy họ mới có “chỗ đứng” riêng của mình.

Trên đây là một số dạng đề và cách phân tích xoay quanh tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chúc các bạn ôn thi thật tốt và đạt được kết quả cao.