Phân tích “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường độc đáo nhất
Tóm tắt nội dung bài viết
Tác phẩm ‘Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là một áng văn giàu chất thơ và cũng là một trong những tác phẩm trọng tâm trong chương trình ngữ văn lớp 12. Trong bài viết này, cùng Công Decor tham khảo bài phân tích tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường bạn nhé! Mời bạn đọc theo dõi!
Đề bài phân tích tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường
“…Trước khi về với vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và có lúc nó trở nên dịu dàng say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như 1 cô gái di gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng..”
“…Từ đây, như tìm được đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam- đông bắc, phía đó, nơi cuối con đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp mặt thành phố ở cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến; đường cong ấy làm dòng sông mềm hẳn đi như tiếng vâng không nói của tình yêu…”
(Trích: Ai đã đặt tên cho dòng sông- Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Trình bày cảm nhận của anh/ chị về 2 đoạn văn trên, từ đó làm nổi bật nét tài hoa trong bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Bài viết tham khảo phân tích “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Mở bài
“ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”
( Chế Lan Viên)
Đó là lời thơ Chế Lan Viên viết lên từ quy luật của tình cảm về những mảnh đất, sự vật gắn bó lúc ra đi. Bước chân đi, đầu ngoảnh lại mà lòng thì hướng về, để đất như “ hóa tâm hồn” nặng trĩu niềm thương, nỗi nhớ trong ánh mắt, nỗi lòng kẻ ra đi. Đó là khi ta rời xa, còn với những bước chân trở về, có “tâm hồn” nào được “hóa” ở đây chăng? Với những người nặng lòng cùng mảnh đất chôn rau cắt rốn, như nhà văn HPNT, thì có lẽ bước chân trở về ấy lại mang nhiều hơn những “tâm hồn”. Và một hồn sông Hương đã được hóa nên từ đó trong trang bút kí “ AI đã đặt tên cho dòng sông”. Bài kí đã khắc họa lại sông Hương với tất cả vẻ đẹp của nó trong chặng hành trình từ thượng nguồn đi về đến Huế mộng mơ cùng với những góc nhìn đa chiều từ văn hóa, lịch sự ngàn đời. Trong đó, tạo ấn tượng rất rõ với người đọc là hai đoạn trích miêu tả hình tượng sông Hương ở thượng nguồn và sông Hương từ đồng bằng về ngoại vi thành phố Huế. Qua đó cũng thể hiện được những nét tài hoa bậc thầy trong bút kí của HPNT.
Thân bài
Sau nhiều ngày đi xa trở về Huế, dưới bóng mát và hương thơm của khu vườn cổ An Thiên Vương ngoại ô Kim Long, nhà văn miên man suy tư về dòng sông xứ Huế, về đất Huế qua bao thăng trầm của lịch sử. Và từ đó, HPNT xúc động viết nên bài kí này vào 4-1-1981. Lấp lánh trên trang văn HPNT là một dòng sông hương hung tráng mà cũng rất thơ mộng. VÀ nhà văn xứng đáng là người “ vẽ lại đời mình bằng màu nước sông HƯơng”.
Nói tới sông Hương xứ Huế, người ta thường có ấn tượng về sự phẳng lặng, êm đềm của dòng sông trong khung cảnh thanh bình yên ả . Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn đã không ngừng lại ngắm nhìn “khuôn mặt kinh thành” với vẻ đẹp sang trọng cổ kính của sông Hương trong thành Huế, ông đã khao khát ngược dòng không gian, tìm về cội nguồn của rừng đại ngàn, khám phá những vẻ đẹp bí ẩn, những sức mạnh tiềm tàng được đóng kín trong “phần tâm hồn sâu thẳm” của dòng sông trước khi nó về tới Huế. Đặt dòng sông trong mối quan hệ với dãy Trường Sơn xa xôi, nhà văn đã thể hiện những cảm hứng khám phá, cắt nghĩa và lý giải trong cái nhìn sâu sắc về cội nguồn – và đó cũng là một cảm hứng quen thuộc của tình yêu. Với trí tưởng tượng và niềm say mê, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả dòng sông Hương ở khúc thượng lưu trong những vẻ đẹp hoang dại đầy cá tính
“…Trước khi về với vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và có lúc nó trở nên dịu dàng say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như 1 cô gái di gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng..”
Tất cả vẻ đẹp rực rỡ, lung linh của đại ngàn Trường Sơn đều soi bóng xuống sóng nước Hương giang. Nhà văn dùng những động từ mạnh, câu văn dài và những từ ngữ đặc trưng của núi non thác dữ “ đại ngàn, thác ghềnh, đáy vực” để gợi dậy dư vang của một bản trường ca hùng tráng và say mê. Sông Hương lúc này dũng mãnh và hoang dại vì trong nội tại của nó ẩn chứa sức mạnh cuộn xoáy của thác nguồn, của rừng núi hoang sơ đại ngàn. Cách ngắt nhịp câu văn tạo ra những vế đối cân xứng, “ rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn- mãnh liệt qua những thác ghềnh- cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”, dường như mỗi nhịp ngắt tương ứng với mỗi bước chuyển mình quanh co đầy thách thức, băng vượt qua tất cả đèo cao vượt sâu để toát lên sức mạnh chinh phục và bản lĩnh dấn thân tới cùng của dòng chảy bất tận, ào ào như thác dữ. Hình ảnh về “bản trường ca của rừng già” khiến sông Hương hiện ra với cả chiều dài rộng hùng vĩ và dòng chảy mãnh liệt trong sự ngưỡng mộ và niềm say mê của nhà văn, bởi “trường ca” là áng văn chương có dung lượng lớn thường mang đậm cảm hứng ngợi ca, còn “rừng già” lại là hình ảnh của những cánh rừng đại ngàn hoang sơ, bí ẩn, mênh mông. Dòng sông chảy qua dãy Trường Sơn đã nhận vào dòng chảy của nó tất cả những sắc thái phong phú, đa dạng của rừng già khi “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn”, khi “mãnh liệt qua những ghềnh thác”, khi “cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”, và có khi lại “dịu dàng say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”… Cách miêu tả uyển chuyển tài hoa qua những hình ảnh đối lập đã giúp nhà văn làm hiện lên hình ảnh dòng sông Hương nơi thượng nguồn với đồng thời cả sức mạnh và vẻ đẹp. Dòng sông với những lớp sóng hung hãn cuộn trào bởi sự tiếp sức của thác ghềnh sóng gió, những xoáy hút dữ dội tiềm ẩn nỗi kinh hoàng của vực sâu, những miên man da diết của cỏ cây hoa lá nơi rừng đại ngàn; do đó sông Hương vừa tràn đầy sức mạnh hoang sơ, man dại, vừa khơi gợi những bí ẩn say mê, vừa ngời sáng vẻ đẹp kiêu sa, rực rỡ.
Không dừng lại trong những miêu tả trực tiếp, nhà văn còn dùng phép nhân hóa khiến dòng sông được miêu tả như một “cô gái Digan phóng khoáng và man dại”, “bản lĩnh gan dạ”, “tâm hồn tự do và trong sáng”, cái mạnh mẽ phóng khoáng của một bộ tộc yêu thích cuộc sống tự do lang thang nay đây mai đó được gắn cho dòng chảy hoang dã khiến sông Hương nơi thượng nguồn càng trở nên quyến rũ đắm say. Sắc thái nhân hóa càng đậm nét khi nhà văn lý giải sự tương phản của sông Hương ở hai khúc thượng lưu và hạ lưu, không phải bằng những kiến thức địa lý thông thường.Ngay trong những gì được gọi là rầm rộ và mãnh liệt tột cùng ấy, sông HƯơng lại pha chút trầm lặng của vẻ đẹp “ dịu dàng say đắm” được tạo nên bởi dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Cái màu đỏ ấy như màu lửa với gam nóng bất chợt bắt gặp được nơi đại ngàn hoang sơ nhiều gió táp, heo hút, nó làm dòng sông như quên mình mà buông bỏ đi những gằn thét dữ tợn ,khẳng định bản lĩnh của một kẻ chinh phục để trở về với nét đằm thắm nhất của bản tính một cô gái, để là mình nhiều nhất, sống thật với lòng đắm say dù khá ngắn ngủi trong khoảnh khắc. Nhà văn tinh tế ở những nét họa mạnh, dữ nhất lại có thể đan cài vào đó những khoảng lặng đắm say, mua chuộc lòng người bởi nét tình, chữ duyên khó ngờ mà Hương giang trên thượng nguồn mang trong nó..Và rừng già là đáng sáng tạo và hoài thai, nuôi dưỡng người con gái này với những bước chân đầu tiên ấy.Từng ngày băng mình trong thác sâu, vực dốc là từng ngày dòng sông được tôi luyện hơn bản lĩnh gan dạ. Thật đáng trân trọng hơn nữa, dòng sông còn biết tận hưởng những vẻ đẹp tinh tế với sắc đỏ chói của hoa đõ quyên để làm tâm hồn trở nên trong sáng và bay bổng, không hề khô cứng mà hết sức nữ tính và cuốn hút đến say mê. Nét kết hợp hai trong một ấy là sự tài tình của người viết đã gửi gắm, để ta hiểu và cảm nhận về dòng sông như về một con người, có cá tính và tâm hồn.
Sau chặng dài cộng hưởng cùng đại ngàn Trường Sơn nhiều sóng gió, thác ghềnh, sông Hương uốn lượn để đi đến thành phố Huế, trên đường từ đồng bằng vào ngoại vi thành Huế, con sông đi giữa những dãy thành vách sừng sững, và mỗi nơi sông đi qua nó đều làm tôn lên vẻ đẹp của miền đất, nước núi non ấy. Trước khi trở thành người tình dịu dàng và chung thuỷ của Kinh thành Huế có hàng trăm năm văn hiến, sông Hương đã trải qua một hành trình đầy gian truân và những thử thách. Trong cái nhìn tinh tế, lãng mạn và rất phong tình của tác giả, toàn bộ thuỷ trình của dòng sông Hương tựa như cuộc tìm kiếm có ý thức người tình nhân đích thực của người con gái trong một câu chuyện tình yêu nhuốm màu cổ tích. Đoạn miêu tả sông Hương khi chuẩn bị gặp lại Huế rất tình, rất thơ, đúng chất của người con gái Huế mộng và mơ, cũng như đúng chất của ngòi bút HPNT:
“…Từ đây, như tìm được đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam- đông bắc, phía đó, nơi cuối con đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp mặt thành phố ở cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến; đường cong ấy làm dòng sông mềm hẳn đi như tiếng vâng không nói của tình yêu…”
Dưới con mắt của hội họa, sông Hương hiện ra đẹp thơ mộng bởi những đường nét uốn lượn mềm mại và duyên dáng, những màu sắc hài hòa và bình dị.Còn dưới con mắt của cảm xúc, sông Hương mang Niềm vui khi tìm thấy mảnh đất nó muốn gắn bó, đã từng gắn bó , cảm xúc ấy được miêu tả giống như niềm vui của cô gái khi kiếm tìm được chàng trai mà cả đời này cô dành trọn con tim hướng về. Tất cả được nhà văn đặt vào những “nhãn tự”- “ vui tươi hẳn lên” nó khiến ngta phải tưởng tượng ra khuôn mặt của “ con sông” lúc đó, chắc hẳn sẽ là nụ cười thật tươi và những bước chân thật vội để đi về phía ấy- nơi thành phố Huế đang chờ đợi, hay nơi trái tim mình đang mách bảo. Trước tiên, sông Hương được miêu tả trong “nét thẳng thực yên tâm” khi vào đến thành Huế, cách miêu tả đặc sắc của nghệ thuật nhân hóa đã đem đến cảm giác thanh thản, bình yên của một dòng sông khi tìm thấy chính mình, tìm thấy tình yêu của mình khi về với thành phố hình như chỉ dành riêng cho nó, tồn tại vì nó, một thành phố luôn đợi chờ, luôn tin vào dòng sông thân yêu từ miền thăm thẳm đại ngàn xa xôi. Nghệ thuật nhân hóa đã khiến dòng sông trở nên gần gũi vô cùng với mảnh đất cố đô và con người xứ Huế.
Một tín hiệu nhận biết của Huế với dòng sông là chiếc cầu trắng in ngần trên nền trời, “ nhỏ nhắn như những vầng trăng non”. Đó là tín hiệu riêng mà dòng sông đã bắt được từ tiếng gọi của tp. Hình ảnh “vầng trăng non” mang chút tình tự, phảng phất chất lãng mạn bay bổng không gian và đó là những suy cảm của tình yêu, là hình ảnh được nhìn qua cặp mắt của những người đang yêu. Sau cảm giác bình yên giữa lòng thành phố, dòng sông bắt đầu thể hiện sự duyên dáng quen thuộc của mình trong những nét uốn lượn tình tứ. Đó là việc “sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ nhàng đến Cồn Hến”, với liên tưởng độc đáo, lãng mạn của nhà văn, “đường cong ấy làm dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”. Qua phép so sánh thật ngọt ngào, dòng sông bỗng trở thành người tình dịu dàng, e ấp mà vẫn thật tình tứ, đắm say của Huế. Đến đây tình yêu như tiếng nói cất lên bao trùm tất cả, để những ai sống trong nó và muốn cảm nhận trọn vẹn điều đó thì phải dùng cả trái tim từng rung động của mình để cảm, để thấu những gì con sông đang cảm, đang thấu. “ Tiếng vâng không nói ra của tình yêu” đó là gì mà sao ta cứ thấy tình tự lênh láng, sao thấy bồi hồi da diết đến vậy? Vâng, HPNT nhìn sông HƯơng và thành phố Huế trong con mắt của người đang yêu, nên mọi thứ ông nhìn được, bắt thần được từ dòng sông đều cất lên từ tiếng nói của lứa đôi, của trái tim yêu nồng say. Giống như nàng Kiều, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim TRọng của nó, để mọi cảm thức mách bảo đều do tiếng nói của con tim đang yêu và sống trọn với tình yêu. Ta cảm nhận được giữa sông Hương và thành phố Huế như có mối lương duyên sâu sắc, để truyền vào những cảm xúc ban đầu trước giây phút gặp gỡ vấn vương là những xao động bồi hồi, rất tình, rất thơ mà Hương giang đã trao gửi.
Qua hai đoạn trích, nhà văn đã làm sống dậy vẻ đẹp của dòng sông Hương ở hai chặng đường mà nó đã đi qua, một bên là hùng tráng và say mê, mang nét hoang sơ, phóng khoáng của núi rừng Trường Sơn đại ngàn thác dữ, một bên là sông Hương nhẹ nhàng, đằm thắm biết làm duyên điệu đà, tình tứ trao gửi yêu thương đến thành phố Huế khi đi tới ngoại vi thành phố. Hai vẻ đẹp khác nhau nhưng đều làm tôn lên thiên tính nữ của người con gái sông Hương này và thể hiện rõ hơn nét tài hoa trong bút kí của HPNT. Ta bị ấn tượng khá mạnh bởi những so sánh liên tưởng độc đáo mà nhà văn gợi ra trên trang viết, từ so sánh sông Hương như “ một cô gái Digan phóng khoáng và man dại” đúng với bản chất của rừng già đã truyền và hun đúc cho dòng sông, đến việc ví những đường cong của Hương giang như “ tiếng vâng không nói ra của tình yêu”,… Nghệ thuật xây dựng hình tượng sông Hương cũng rất tài tình, HPNT không nhìn sông Hương như một thực thể vô tri, vô giác, vô hồn mà con sông hiện lên như có cá tính, có cảm xúc và có cả sự vận động trong tính cách- phép biện chứng tâm hồn, thường chỉ có ở con người. Vì vậy cho ta thấy, nhà văn đã lấy sự am hiểu về con người để khám phá bản chất của dòng sông. Khả năng liên tưởng, so sánh đa dạng cho ta hình dung sông Hương như một người con gái Huế đích thực xinh đẹp và đa tình. Ngoài ra, nét tài hoa của HPNT còn thể hiện ở ngôn ngữ, nhà văn kiến tạo những câu văn giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu, tràn đầy chất thơ. Ngôn từ chắt lọc, uyển chuyển mà tự nhiên, đầm ấm mà sang trọng. Như đoạn miêu ta “ Nó đã là bản trường ca của rừng già,…” như làm sống dậy dư vang thâm u, hùng tráng của rừng núi Trường sơn. Nếu Nguyễn Tuân miêu tả Đà giang với giọng say sưa, háo hức, nhiệt thành – chất giọng “nồng” ( CHU VĂn Sơn) thì HPNT nói về sông HƯơng đầy điềm tĩnh, ôn tồn, chậm rãi, có chiều sâu- chất giọng đạm. Thiên nhiên qua rung cảm của trái tim nhà văn thì nó đã thành sức hút, sức lôi cuốn mãnh liệt tuôn chảy nơi đầu ngọn bút để nó thành ra thứ văn chương vừa đầm ấm vừa sang trọng, vừa chắt lọc mà bình dị, mang trong đó cái tài và cái tâm trọn vẹn của người nghệ sĩ.
Kết bài
Sông Hương luôn ở vị trí độc tôn trong trái tim HPNT. Nhà văn mang nặng một chữ : tình” với con sông quê hương. Chính điều đó làm nên nguồn cảm hứng thôi thúc ông đi kiếm tìm, chiêm nghiệm, sống hết mình để cắt nghĩa, lí giải cái tên của dòng sông, cũng là hành trình đi tìm những vẻ đẹp cất chứa nơi dòng sông ấy. Và qua hai đoạn trích ngắn gọn, súc tích, người đọc đã cảm nhận được phần nào vẻ đẹp của sông HƯơng với những nét hoang sơ nơi thượng nguồn và tình tự khi đến Huế. HPNT viết về sông Hương như trả món “ nợ” ân tình với mảnh đất gắn bó máu thịt trong trái tim, cũng như trả “ nợ” cho sự thôi thúc của câu chữ dồn đuổi trực tuôn trào khi sông Hương quá mãnh liệt trong những vẻ đẹp, quá lôi cuốn trong những tình cảm nó ấp ủ, trao gửi.
Trên đây là bài phân tích tác phẩm ‘Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hy vọng bài viết cung cấp bài tham khảo chất lượng đến bạn đọc!
Cảm ơn bạn đã theo dõi đến cuối bài viết
Tôi là Hương Giang chuyên gia thần số học tôi có 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu và học tập về bộ mộ thần số học. Tôi có khả năng học hỏi tốt, có vốn kiến thức và kinh nghiệm đồ sộ về mọi lĩnh vực. Đồng thời, khả năng tập trung nghiên cứu chuyên sâu về các chỉ số thần số học nếu bạn quan tâm tới thần số học hay muốn nghiên cứu hãy inbox cho tôi tại website Công Decor nhé !
Bài viết liên quan
Thần số học và Tarot có mối liên hệ gì với nhau không?
Nếu để ý, bạn sẽ thấy trên mỗi là bài tarot đều được đánh dấu [...]
Th7
Top những lá bài tarot mang tín hiệu của tình yêu mạnh mẽ nhất
Lá bài tarot mang tín hiệu của tình yêuTóm tắt nội dung bài viết1 Lá [...]
Th7
Top 10 lá bài trong tarot mang ý nghĩa về trực giác và năng lực tâm linh
Lá bài trong tarot mang ý nghĩa về trực giác và năng lực tâm linhTóm [...]
Th7
Các dạng đề phân tích bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông”
Dạng đề 1 phân tích bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” :Tóm tắt nội [...]
Th7
Top 10 lá bài trong tarot mang ý nghĩa về sự nghiệp tốt đẹp, lẫy lừng
Lá bài Tarot là gì?Tóm tắt nội dung bài viết1 Lá bài Tarot là gì?2 [...]
Th7
Trắc nghiệm điều bạn cần nhất trong tình yêu là gì?
Mỗi người trong chúng ta đều mong muốn và kỳ vọng cho mình một tình [...]
Th7