Kho tàng ca dao tục ngữ hay, ý nghĩa nhất

Các câu ca dao, tục ngữ hay và ý nghĩa nhất

Các câu ca dao tục ngữ hay, ý nghĩa nhất

Ca dao, tục ngữ từ xưa đến nay được xem là “túi khôn” đúc kết bao kinh nghiệm dân gian, đong đầy bao suy tư, tình cảm của những thế hệ người Việt. Thông qua sự giàu đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt, những câu ca dao, tục ngữ ngàn đời được ghi nhớ lại để gửi gắm những bài học hay, tình cảm thiêng liêng cho các thế hệ sau. Trong bài viết này, cùng Công Decor tìm hiểu về kho tàng các câu ca dao, tục ngữ hay, ý nghĩa nhất của người Việt Nam ta.

Khái niệm ca dao, tục ngữ Việt Nam

Ca dao là gì?

Ca dao là một thể loại văn học dân gian, dưới dạng những vần thơ trữ tình, phản ánh thế giới tâm tư, tình cảm của con người. Ca dao được lưu truyền chủ yếu bằng phương thức truyền miệng, từ đời này qua đời khác dưới dạng những câu hát, dễ đọc dễ nhớ, và thường được phổ theo thể lục bát.

Nội dung của ca dao thưởng phản ánh đời sống tâm tư, tình cảm của người dân, cũng như những phong tục, nếp sống của con người. Ngôn từ trong ca dao bình dị, mộc mạc, đơn giản, bởi thể loại văn học dân gian này gắn với những người lao động hay lam hay làm.

Tục ngữ là gì?

Khác với thế giới tình cảm đầy tâm tư của ca dao, tục ngữ là những câu nói đúc kết những kinh nghiệm của dân gian qua hình thức câu chữ ngắn gọn, dễ hiểu, dễ ghi nhớ.

Nội dung của tục ngữ nói về nhiều mặt trong cuộc sống như: thiên nhiên, lao động và săn xuất, cách cư xử,…

Thông thường tục ngữ thường mang hai lớp nghĩa đen và nghĩa bóng. Lớp nghĩa bóng thường gửi gắm những bài học sâu xa, kinh nghiệm quý báu được đúc kết qua nhiều thế hệ.
Các câu ca dao, tục ngữ hay và ý nghĩa nhất
Các câu ca dao, tục ngữ hay và ý nghĩa nhất

Tổng hợp những câu ca dao, tục ngữ ý nghĩa nhất

 Ca dao, tục ngữ Việt Nam về phong tục, nghi lễ

Ca dao

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Câu nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Đây là câu ca dao nói lên phong tục truyền thống ngàn đời của người Việt Nam ta trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Những món ăn đặc trưng mang hương vị Việt như: thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh,.. Những phong tục để câu nêu trước nhà để xua đuổi tà mà, mong cầu may mắn, tràng pháo hoa đón chào năm mới, câu đối đỏ viết chữ cho một năm an lạc,.. Tất cả tạo nên hương vị và không khí rất đặc trưng của Tết việt, Tết quê.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Đây là câu ca dao nhắc nhở chúng ta về đạo lý nhân nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” chảy trong dòng màu Con Rồng cháu Tiên của mỗi người dân Việt Nam. Dù đi khắp bốn phương trời, dù đặt chân đến miền đất mới nào đi chăng nữa, lòng người vẫn ngớ về cội nguồn, về gốc gác của mình – đó là ngày giỗ Tổ, vua Hùng. Ngày mùng 10 tháng 3 vì thế là một ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam.

Tục ngữ

“Tháng giêng ăn Tết ở nhà”

Theo truyền thống của người Việt nam, ba ngày tết là ngày lễ thiêng liêng nhất trong năm, là khoảnh khắc gia đình sum họp, quây quần bên mâm cơm, thắp nén hương tưởng nhớ đến tổ tiên và cùng nhau ôn lại chuyện cũ trong một năm đã qua, hướng đến những điều tốt đẹp của một năm mới sắp đến. Vì vậy tháng giêng là cách gọi tháng 1 lịch âm, thể hiện truyền thống Tết gia đình, tết đoàn viên của dân tộc.

Ca dao, tục ngữ Việt Nam về tri ân thầy cô

Ca dao

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”

Đây là một trong những câu ca dao nổi tiếng bày tỏ tấm lòng thành kính với đạo “tôn sư trọng đạo”. Người thầy người cô chính là những người gieo con chữ, nâng đỡ để chúng ta học chữ và học làm người. Chính vì vậy, việc tôn kính và ghi nhớ công ơn thầy cô là một điều vô cùng quan trọng trong đạo làm người.

Tục ngữ

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”

(Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy)

Câu tục ngữ này nhằm dặn dò con người về lối sống có trước có sau, có biết ơn, có thành kính đối với những thầy cô đã có công dạy dỗ mình. Dù người đó dạy mình nhiều hay ít, thì dù thế nào mình cũng cần hướng lòng thành kính, biết ơn đến thầy cô.

Ca dao, tục ngữ về việc học

Ca dao

“Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài

Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi”

Câu ca dao mượn hình ảnh của viên ngọc, một loại đá quý trong tự nhiên, nhưng có quý mà không có mài giũa cũng không thể nào đẹp và được tôn trọng được. Cũng như vậy, con người mà không có học, không có rèn luyện thì chẳng thể nào làm được những điều có ích, được người khác tôn trọng.

Tục ngữ

“Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi”

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”

Những câu tục ngữ thấm nhuần những bài học dân gian của thế hệ đi trước về quá trình tu học. Điều quan trọng là sự miệt mài, kiên trì, ắt sẽ thành tài. Và cách học được nhiều nhất đó là học bằng trải nghiệm thực tế, học bằng những chuyến đi và sự quan sát tinh nhạy của chính bản thân mình.

Ca dao, tục ngữ Việt Nam về thiên nhiên, sản xuất lao động

Ca dao

“Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối”

Đây là câu ca dao mà ông cha truyền lại để con chau biết được quy luật tự nhiên ngày ngắn đêm dài của mùa hè và đêm dài ngày ngắn của mùa đông. Như vậy con người sẽ biết được cách tận dụng thời gian mà sản xuất và lao động cho hợp lý.

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Câu ca dao nói về sự khó khăn, gian khổ của người nông dân khi tạo ra thành quả nói chung và hạt gạo nói triêng, nhắc nhở chúng ta cần trân trọng sức lao động của mỗi người.

Tục ngữ

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”

Hình ảnh con trâu đi trước cái cày đi sau chắc chắn là hình ảnh quen thuộc gắn liền với cảnh sản xuất trên đồng ruộng của người nông dân chân lấm tay bùn. Vì vậy vai trò của chú trâu là vô cùng lớn trong sự nghiệp làm ruộng của nghề nông.

Ca dao, tục ngữ về tình cảm gia đình

Ca dao

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ “Hiếu” mới là đạo con.”

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều thuộc lòng bài ca dao này, như một lời nhắn nhủ ân tình về đạo hiếu của con cái dành cho cha mẹ của mình. Sự hiếu thảo và biết ơn đến công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ chắc chắn là điều mà chúng ta không thể nào quên đến cuối cuộc đời.

Tục ngữ

Mẹ dạy thì con khéo, cha dạy thì con khôn

Câu tục ngữ nhằm ca ngợi công lao dạy dỗ của cha mẹ dành cho con cái của mình. mẹ với tĩnh nữ thiêng liêng sẽ trao truyền cho con sự khéo léo, đảm đang, tháo vát trong công việc cũng như trong cung cách ứng xử. Cha mạnh mẽ sẽ định hướng cho con những lựa chọn và cách sống thông minh, gan dạ, dũng cảm.

Ca dao, tục ngữ về tình yêu đôi lứa

Ca dao

“Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”

Sự thủy chung luôn luôn là một khía cạnh được đề cao trong mối quan hệ tình cảm. Chính vì vậy ca dao thường bày tỏ tấm lòng chân thành này trong những câu chữ.

“Thương nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”

Câu ca dao trên ca ngời tình yêu đôi lứa có thể làm mọi thứ dù gặp khó khăn, trắc trở hay gian khổ vẫn cố gắng để được bên nhau.

Tục ngữ

“Còn tiền còn duyên nợ, hết tiền hết vợ chồng”

Câu tục ngữ này nhằm phê phán lối sống thực dụng trong tình cảm lứa đôi. Cuộc sống hôn nhân được tạo lập bởi những thứ vật chất, nên khi hết vật chất thì tình cảm cũng rời đi. Điều này không phải là một bài học mà là một cách nói châm biếm, bởi tình cảm hôn nhân đâu phải chỉ ràng buộc nhau bởi đồng tiền.

Trên đây là bài viết chia sẻ về những câu ca dao, tục ngữ hay nhất của người Việt Nam ta. Hy vọng bài viết trên đây cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *