Phân tích cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” hay chọn lọc
Tóm tắt nội dung bài viết
Tác phẩm “Chữ người tử tù” là một truyện ngắn giàu tính nghệ thuật và mang đậm dấu ấn phong cách sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân. Trong tác phẩm, một chi tiết nghệ thuật độc đáo nhất của truyện, đó chính là cảnh Huấn Cao – một tử tù buông những nét chữ phóng khoáng để cho người quản ngục. Vậy tại sao chi tiết này được Nguyễn Tuân đánh giá là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”? Bài viết dưới đây, Công Decor sẽ cùng bạn đọc phân tích sâu ý nghĩa của cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” hay, chọn lọc nhất. Mời bạn đọc cùng theo dõi!
Dàn ý phân tích cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù”
Cảnh tượng xưa nay chưa từng có:
– Không gian: cảnh cho chữ diễn ra trong một buồng giam chật chội, ẩm thấp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián
– Thời gian: lúc nửa đêm, chỉ còn vài giờ nữa là Huấn Cao sẽ bị giải ra pháp trường để nhận án tử hình
– Hình ảnh người cho chữ: Huấn Cao – cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô từng nét chữ trên phiến lụa óng
→ HC mất tự do về thể xác nhưng luôn giữ phong thái ung dung, đĩnh đạc
– Hình ảnh người xin chữ: viên quản ngục khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu trên ô chữ
→ Quản ngục là chủ trại giam nhưng lại hạ mình trước tử tù. Vị thế của hai nhân vật đã bị đảo lộn.
– Lời khuyên của Huấn Cao với quản ngục:
+ Từ bỏ chốn ngục tù nhơ bẩn
+ Tìm về chốn thanh tao
+ Giữ thiên lương cho lành vững
+ Rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ
Cái đẹp không thể chung sống cùng cái ác, cái xấu mà chỉ đi liền cùng cái thiện
→ Kẻ có chức năng giáo dục tội phạm lại đang bị tội phạm “giáo dục”
– Hành động bái lĩnh của quản ngục:
+ Cái đẹp, cái thiện có sức mạnh cảm hóa con người.
+ Dù trong hoàn cảnh nào, con người vẫn luôn khát khao hướng tới chân – thiện – mỹ.
+ Niềm tin của nhà văn vào thiên lương của con người sẽ không bao giờ mất đi dù có sống trong môi trường tồn tại cái xấu, cái ác
Nghệ thuật khắc họa cảnh cho chữ:
– Thủ pháp tương phản
– Buồng tối chật hẹp, hôi hám của nhà giam >< Ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, mùi thơm của chậu mực
– Cái hỗn độn, xô bồ chốn tù ngục >< – Cái thanh khiết, cao cả của nền lụa trắng, nét chữ đẹp đẽ.
– Viên quan coi ngục đang khúm núm, lĩnh hội, vái lạy >< Kẻ tử tù ung dung, đường hoàng đang ban phát cái đẹp và cái thiện
Nhận xét: Làm nổi bật vẻ đẹp tài năng, khí phách và thiên lương của Huấn Cao, sự vươn lên, thắng thế của ánh sáng đối với bóng tối; cái đẹp đối với cái xấu xa; cái thiện đối với cái ác.
Bài tham khảo phân tích cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” hay chọn lọc
Mẫu tham khảo 1 cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù”
Cảnh cho chữ là cảnh tập trung rõ nét nhất các vẻ đẹp của nhân vật huấn cao về cả tài hoa, khí phách, thiên lương.
Cảnh cho chữ được Nguyễn Tuân khẳng định là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Cảnh tượng phi thường ấy đã được miêu tả bằng bút pháp tương phản và cảm hứng lãng mạn nhằm tôn vinh cái đẹp, cái thiện. Trong không khí trang trọng, cổ kính của cảnh cho chữ, vẻ đẹp tài hoa, khí phách và thiên lương của Huấn Cao đã được tập trung miêu tả sinh động, gợi cảm và tỏa sáng rực rỡ. Quả thật đây là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có bởi sự xuất hiện những yếu tố tương phản đầy ấn tượng:
– Thứ nhất là sự tương phản trong tình huống sáng tạo nghệ thuật. Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo tự do, người nghệ sĩ tài hoa đang say mê tô từng nét chữ lại là một người tù cổ đeo không, chân vướng xiềng. Nghệ thuật giúp cho cái đẹp bất tử nhưng người sáng tạo nghệ thuật lại là một tử tù đang ở đêm cuối cùng của cuộc đời, chỉ sớm mai thôi người phải vào kinh lĩnh án tử hình. Nghịch lý xót xa ấy khiến cái đẹp trở nên mong manh, quý giá và giờ khắc tạo ra cái đẹp càng trang trọng, thiêng liêng. Đó cũng là nguyên nhân tạo ra tâm thế kỳ lạ của các nhân vật: hoàn thành việc cho chữ và xin chữ mà người cho không sung sướng, người xin không mãn nguyện, cả hai bên đều ngậm ngùi, buồn bã. Hình ảnh lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo sau khi Huấn Cao hoàn thành việc viết chữ gợi ấn tượng sâu sắc cho người đọc về một sự lụi tắt, không chỉ của lửa đóm mà còn là của một sinh mệnh vĩ đại.
– Tiếp nữa là sự tương phản xuất hiện trong hoàn cảnh sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ thư pháp thường viết chữ ở những thư phòng thanh sạch cao khiết với bạch lạp, hương trầm, nay Huấn Cao cho chữ quản ngục trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Và chính trong sự tương phản này lại hàm chứa những tương phản khác mang ý nghĩa sâu sắc: khói tỏa như đám cháy nhà xua đi xú uế, ánh đuốc đỏ rực xua đi nỗi tối tăm, sự thanh khiết cao quý toả ra từ tấm lụa trắng tinh, từ mùi thơm của chậu mực xua đi những tầm thường, dơ dáy chốn ngục tù… Sự tương phản thứ hai này cho thấy ý chí phi thường của những con người yêu cái đẹp, dám vượt lên trên mọi sự nghiệt ngã chốn ngục tù để sáng tạo, chiêm ngưỡng và lưu giữ cái đẹp, những con người đã giúp cho cái đẹp ngự trị và tỏa sáng ngay ở nơi chốn của cái xấu, cái ác.
– Sự tương phản sâu sắc nhất thể hiện trong vị thế của người tù và kẻ coi tù. Trong đoạn văn miêu tả cảnh cho chữ, Nguyễn Tuân nhiều lần dùng hai chữ người tù để gọi Huấn Cao, có lẽ đây cũng là dụng ý khắc họa đậm nét hơn sự tương phản: người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng thì uy nghi, đàng hoàng, hiên ngang, đĩnh đạc viết chữ và dạy bảo, khuyên nhủ; những người có nhiệm vụ giữ tù như thơ lại thì run run bưng chậu mực, quản ngục “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng”; thậm chí người tù sau khi viết xong còn đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy, còn ngục quan sau khi nhận được chữ và những lời khuyên bảo thì cảm động, vái người tù một vái Trước cái đẹp, cái thiện, mọi trật tự thông thường ở nhà tù đã bị đảo lộn: không còn người tù và kẻ coi tù , chỉ có Huấn Cao, người cho chữ, người sáng tạo và ban phát cái đẹp và quản ngục, thơ lại, người xin chữ, người ngưỡng mộ và may mắn được tiếp nhận cái đẹp. Và trật tự mới giữa họ được thiết lập theo tiêu chí của cái đẹp, cái thiện. Cái đẹp, cái thiện, cái cao cả đã chiến thắng và tỏa sáng, bóng tối dơ dáy của ngục tù đã nhường chỗ cho ánh sáng của cái đẹp cao khiết, của thiên lương trong sáng.
Chi tiết HC đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc: HC không chỉ sáng tạo, ban phát cái đẹp mà thông qua sức mạnh kỳ diệu của cái đẹp, Huấn Cao còn cứu vớt cả một con người. Hình ảnh ngục quan cảm động, vãi người tù. ..nghẹn ngào: kẻ mê muội này xin bái lĩnh là sự minh chứng rõ nét cho sức mạnh cảm hóa của cái đẹp. Như sự khẳng định của một nhà văn nước ngoài: cái đẹp sẽ cứu thế giới.
– Hình ảnh một bó đuốc tẩm dầu dõi trên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch cho thấy lòng yêu quý và trân trọng cái đẹp đã xóa đi mọi khoảng cách giữa những con người vốn là đối địch. Họ đã cùng nhau hình thành một thế giới thật thanh sạch cao cả, thế giới của cái đẹp, cái thiện, quay lưng lại thế giới của cái xấu, cái ác. Chi tiết ba người nhìn bức chân rồi lại nhìn nhau càng cho thấy họ đã thực sự trở thành những người tri âm bởi tình yêu cái đẹp và lòng hướng thiện.
– Sự tương phản còn xuất hiện ngay trong những quan niệm nghệ thuật của Nguyễn tuân. Trước 1945, Nguyễn Tuân được coi là nhà văn có tư tưởng duy mĩ và quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật nhưng trong thực tế sáng tác và trong chữ người tử tù, Nguyễn Tuân lại thể hiện quan niệm thẩm mỹ rất tiến bộ. Là một nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân có sở trường và hứng thú đặc biệt khi miêu tả những vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ. Nhưng trong cảnh cho chữ Nguyễn Tuân lại không hề miêu tả cụ thể đường nét của chữ, thậm chí cũng không nhắc đến nội dung bức châm. Phải chăng nhà văn đã kiềm chế hứng thú miêu tả, tôn vinh tài hoa để hướng tới khẳng định những giá trị quý hơn cả tài hoa?
Các nhân vật trong cảnh cho chữ cũng không bình luận về những dòng chữ đặc biệt trên tấm lụa bạch như cách thưởng thức một bức tranh chữ hay một tác phẩm nghệ thuật tài hoa. Căn cứ vào tâm thể xúc động kính cẩn của quản ngục và thầy thơ lại, căn cứ vào chính những lời khuyên bảo của HC với họ, có thể nhận ra nội dung bao trùm trong bức châm có lẽ không tách rời hai chữ thiên lương, bức châm đã được chiêm ngưỡng như một biểu tượng của cái đẹp, cái thiện, của lẽ sống làm người. Cảnh cho chữ, xin chữ đã trở thành nơi hội tụ của tài hoa, của nhân tâm cùng sự tri âm tri kỷ trong hoàn cảnh ngục tù. Quản ngục vốn chỉ có khát vọng xin chữ. Vậy mà ông ta đã được nhiều hơn cả sự mong mỏi. Huấn Cao không chỉ cho chữ mà còn cho một bài học làm người quý giá: trước khi đến với cái đẹp của nghệ thuật phải giữ chọn cái đẹp của thiên lương, cái đẹp không tách rời cái thiện. Việc HC cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục mà đồng ý cho chữ là biểu hiện gắn kết giữa tài và tâm, Còn lời khuyên của HC với quản ngục cho thấy quan điểm của Nguyễn Tuân về sự thống nhất giữa cái đẹp và cái thiện, không thể chiêm ngưỡng cái đẹp ở nơi ngự trị của cái ác, không thể hướng tới cái đẹp, cái cao cả ở chốn mà thiên lương khó giữ cho lành vững.
Mẫu tham khảo 2 cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù”
Cuối cùng. Cảnh cho chữ là tình tiết sau chót hoàn tất cuộc gặp gỡ oái oăm này. Đến đây mọi khía cạnh mới bộc lộ trọn vẹn. Nguyễn Tuân gọi đó là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Lý do trước hết có lẽ thuộc về không gian và thời gian diễn ra cảnh cho chữ. Cho chữ vốn là cử chỉ văn hoá của những tao nhân mặc khách nên thường diễn ra ở những địa chỉ văn hoá, chẳng hạn thư phòng, văn phòng, trà thất, xưởng họa… Còn ở đây nó lại diễn ra giữa nhà tù. Nghĩa là nơi ngự trị của Bóng Tối và Cái Ác. Nơi thù địch với Cái Đẹp. Thế mà Cái Đẹp lại chọn đúng chỗ thù địch với Cái Đẹp để diễn ra, để chào đời. Khía cạnh bất thường này đã phần nào chứa đựng một tinh thần nổi loạn. Về thời gian, cho chữ vốn là việc đường đường chính chính bạch nhật thanh thiên, ở đây lại diễn ra vào canh khuya. Canh khuya đã đem lại cho cảnh tượng một không khí bí mật và thiêng liêng. Đồng thời, đó lại cũng là những giờ khắc cuối cùng của HC. Lẽ thường, ở vào thời điểm ấy, một người sắp lìa đời phải lo làm chúc thư, nói lời trăng trối với thân nhân. Thế mà HC lại dành những giây phút hiếm hoi cuối cùng ấy vào việc cho chữ, việc sáng tạo những bức thư pháp. Bởi vậy, chẳng phải những bức thư pháp kia cũng chính là những con chữ thiêng, những di huấn, di chúc đặc biệt của một nhân cách cao đẹp gửi lại cuộc đời này hay sao ? Tuy nhiên, điều quyết định nhất khi nào được xem là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” hẳn phải là một sự đảo lộn ghê gớm trong vị thế các nhân vật ở đây. Có thể thấy ít nhất ba khía cạnh sau. Về quyền uy : kẻ có quyền hành thì không có quyền uy (QN), uy quyền lại thuộc về người đã bị tước đi mọi thứ quyền, kể cả cái quyền tối thiểu là quyền sống (HC). Về thái độ : kẻ không việc gì phải sợ thì “khúm núm sợ sệt” (QN), người đáng ra phải sợ thì lại “đường bệ ung dung “(thói thường, HC phải sợ quan trước mặt, sợ cái chết ngay sau lưng chứ !). Về chức phận : Cai tù không giáo dục tội phạm, trái lại tội phạm lại đang giáo dục cai tù, trong khi đó cai tù lại đang lắng nghe một cách thành tâm, thành kính như nhận những lời chỉ giáo thiêng liêng của một bậc thầy về nhân cách. Đến đây, một câu hỏi đặt ra là : ai đã tạo nên sự đảo lộn này ? HC chăng ? Không phải. QN chăng ? Càng không phải. Một cái gì đó còn lớn hơn những con người kia. Và câu trả lời là : Cái Đẹp. Họ đang sống theo tiếng gọi của Cái Đẹp. Họ đang đem những gì đẹp đẽ nhất cao cả, cao quý nhất để dành cho nhau. Họ không sống theo vị thế và chức phận mà thể chế kia định đoạt. Không còn ngục quan. Không còn tội phạm. Chỉ còn những người bạn những tri kỷ tri âm đang quy tụ quây quần xung quanh cái đẹp của tình người và nghệ thuật. Cái đẹp đã phế bỏ cái trật tự mà xã hội sắp đặt ở chốn nhà tù để thiết lập một trật tự khác. Trật tự phân vị đã được thay thế bằng trật tự nhân văn. Cảnh cho chữ thực là cảnh tượng đăng quang của Cái Đẹp. Có thể nói đó là cuộc nổi loạn của Cái Đẹp trong thế giới nhà tù. Thì ra không chỉ có quyền lực của Cái Chết, quyền lực của Cái Gông mà còn có quyền lực của Cái Đẹp. Cái đẹp vẫn có uy quyền riêng của nó. Gọi Cái Đẹp Nguyễn Tuân là Cái Đẹp Nổi Loạn chính là như thế.
Tôi là Hương Giang chuyên gia thần số học tôi có 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu và học tập về bộ mộ thần số học. Tôi có khả năng học hỏi tốt, có vốn kiến thức và kinh nghiệm đồ sộ về mọi lĩnh vực. Đồng thời, khả năng tập trung nghiên cứu chuyên sâu về các chỉ số thần số học nếu bạn quan tâm tới thần số học hay muốn nghiên cứu hãy inbox cho tôi tại website Công Decor nhé !
Bài viết liên quan
Thần số học và Tarot có mối liên hệ gì với nhau không?
Nếu để ý, bạn sẽ thấy trên mỗi là bài tarot đều được đánh dấu [...]
Th9
Top những lá bài tarot mang tín hiệu của tình yêu mạnh mẽ nhất
Lá bài tarot mang tín hiệu của tình yêuTóm tắt nội dung bài viết1 Lá [...]
Th9
Top 10 lá bài trong tarot mang ý nghĩa về trực giác và năng lực tâm linh
Lá bài trong tarot mang ý nghĩa về trực giác và năng lực tâm linhTóm [...]
Th9
Các dạng đề phân tích bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông”
Dạng đề 1 phân tích bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” :Tóm tắt nội [...]
Th9
Top 10 lá bài trong tarot mang ý nghĩa về sự nghiệp tốt đẹp, lẫy lừng
Lá bài Tarot là gì?Tóm tắt nội dung bài viết1 Lá bài Tarot là gì?2 [...]
Th9
Trắc nghiệm điều bạn cần nhất trong tình yêu là gì?
Mỗi người trong chúng ta đều mong muốn và kỳ vọng cho mình một tình [...]
Th9